Lối sống Văn hóa Nga

Trang phục truyền thống

Không phải chỉ dân tộc thiểu số ở Nga, mà là tổng thể cả nền văn hóa Nga xuất hiện ở các vùng khác nhau của đất nước, từ Tây Bắc Nga, Trung Nga, Nam Nga, Xibiri, vùng Volga, đến vùng Ural, Viễn Đông Nga và Bắc Caucasus. Mỗi vùng có các truyền thống địa phương và các đặc tính riêng, đã được phát triển qua thời gian dài thông qua tương tác văn hóa-dân tộc mạnh mẽ trong các nhóm dân tộc và cộng đồng, như Xlavơ, Tác-ta, và Finno-Ugric.

Người Nga trong trang phục truyền thống

Trang phục truyền thống của người Nga gồm có kaftan, một loại áo từ thời Nga cổ, khá giống với áo choàng của đế chế Ottoman, của vùng Scandinavia và Ba Tư. Kosovorotka, từ lâu trở thành loại áo cánh đàn ông thường mặc trong các ngày lễ truyền thống. Ushanka là một loại mũ dành dành cho nam giới. Thiết kế của loại mũ này chịu ảnh hưởng từ loại mũ có vành che tai, được gọi là treukh, phổ biến ở vùng trung tâm và phía Bắc nước Nga hồi thế kỷ 17. Váy Sarafan, có liên hệ với vùng Trung Đông, thường được dùng ở vùng trung tâm và phía Bắc nước Nga cổ. Ở phía Nam nước Nga, burka và papaha có mối liên hệ với người Cossack, và sâu xa hơn lại có liên hệ về mặt văn hóa với người dân ở vùng Bắc Caucaus.

Kokoshnik thường được phụ nữ đội ở các khu vực miền Bắc nước Nga trong khoảng thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Lapti và một số loại giày tương tự chủ yếu phổ biến với những người nghèo khổ sống ở nước Nga cổ và ở các vùng phía Bắc, nơi người Xlavơ, người Baltic và người Finno-Ugric cùng chung sống. Valenki là loại giày truyền thống của người Nga từ thế kỷ 18, thiết kế của loại giày này có nguồn gốc từ dân du mục châu Á sống ở Đại thảo nguyên. Trang phục truyền thống Nga và các thành phần đi kèm vẫn được quý trọng ở nước Nga ngày nay, đặc biệt trong những cộng đồng dân cư Xlavơ đa thần, trong các lễ hội dân gian, cộng đồng người Cossack, trong trang phục hiện đại và đoàn ca múa Nga.

Ẩm thực

Zakuski đóng vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực Nga.

Ẩm thực nga thường sử dụng cá, gà, nấm, quả mọng và mật ong. Lúa mạch đen, lúa mì, lúa mạch và hạt kê cung cấp thành phần làm bánh mì, bánh kếp, ngũ cốc, đồ uống kvass, bia và rượu vodka. Bánh mỳ đen phổ biến ở Nga hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Súp, đồ hầm và bánh nhồi nhân rất đặc trưng cho văn hóa ẩm thực Nga. Loại súp phổ biến nhất gồm có shchi, borsch, ukha, solyanka và okroshka. Smetana (một loại kem chua nặng vị) thường được thêm vào súp và xa lát. Các loại bánh nhồi nhân phổ biến nhất là pirozhki, pelmeni, varenyky và Turkic manti. Một trong những đồ ăn quen thuộc nhất blini, khá giống với syrniki, đây là các loại bánh xèo bản địa Nga. Ngoài ra, món Cutlet (giống như Gà Kiev) và shashlyk là những món ăn chế biến từ thịt rất phổ biến, món shashlyk có nguồn gốc từ người Tatar và từ vùng Caucasus. Món xa lát quen thuộc gồm có Xa lát Nga, nước xốt dầu giấm (vinaigrette) và món Cá trích mặc áo lông (Dressed Herring). Một trong những đặc điểm chính của văn hóa ẩm thực Nga là Zakuski, thuật ngữ định hình nghệ thuật bày biện bàn ăn của người Nga.

Ngày lễ

Nước Nga có 8 ngày nghỉ lễ toàn quốc. Tết Dương lịch là ngày đầu tiên của năm và cũng là ngày nghỉ lễ quan trọng nhất. Truyền thống đón năm mới ở Nga giống như Giáng sinh phương Tây, có Cây năm mới, quà và Ded Moroz (Ông già tuyết) đóng vai trò hệt như Santa Claus (ông già Noel). Rozhdestvo (Giáng sinh Chính thống giáo) rơi vào ngày 7 tháng 1, bởi vì Chính thống giáo Nga vẫn theo Julian kiểu cũ và vì thế tất cả ngày lễ Chính thống giáo đều chậm hơn Công giáo 13 ngày. Hai ngày lễ Thiên chúa giáo quan trọng khác là Paskha (lễ Phục Sinh) và Troitsa (lễ Chúa Ba Ngôi), nhưng không cần coi hai ngày này là ngày nghỉ lễ toàn quốc vì luôn diễn ra vào ngày Chủ nhật.

Duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 tại Moskva năm 2019

Các ngày nghỉ lễ toàn quốc khác gồm có Ngày bảo vệ tổ quốc (23 tháng 2) - ngày tôn vinh đàn ông Nga, đặc biệt là những người phục vụ trong quân ngũ; Ngày Quốc tế phụ nữ (8 tháng 3) - kết hợp các truyền thống của Ngày của mẹ và Ngày lễ tình nhân; Ngày quốc tế lao động (1 tháng 5), hiện giờ được đổi tên thành Ngày lao động và mùa xuân; Ngày Chiến thắng (9 tháng 5); Ngày nước Nga (12 tháng 6) và Ngày đoàn kết toàn dân (4 tháng 11), tưởng nhớ cuộc nổi dậy toàn dân đánh đuổi quân xâm lược Ba Lan-Lít va ra khỏi Mát-xcơ-va năm 1612. Ngày đoàn kết toàn dân (4 tháng 11) cũng dùng để thay thế cho ngày lễ dưới thời Liên Xô tôn vinh Cách mạng Tháng Mười năm 1917 (cũng vì lý do dùng lịch cũ, nên Cách mạng Tháng Mười thực tế diễn ra vào tháng 11 theo lịch mới). Pháo hoa và hòa nhạc ngoài trời là những hoạt động phổ biến diễn ra vào tất cả các ngày nghỉ lễ toàn quốc ở Nga.

Ngày Chiến thắng là ngày lễ quan trọng thứ hai ở Nga. Ngày này kỷ niệm chiến thắng quân Đức Phát xít trong chiến tranh thế giới II và được tổ chức trên khắp nước Nga. Một cuộc duyệt binh hoành tráng, dưới sự chủ trì của Tổng thống Liên bang Nga, được tổ chức thường niên trên Quảng trường Đỏ, thủ đô Mát-xcơ-va. Nhiều cuộc duyệt binh tương tự diễn ra tại tất cả các thành phố lớn của Nga và tại các thành phố đã được trao tặng danh hiệu Thành phố Anh hùng hoặc Thành phố Vinh quang của quân đội.

Một số ngày lễ lớn khác, nhưng không ở quy mô quốc gia, gồm có Tết theo lịch cũ (Ngày tết diễn ra vào ngày 1 tháng 1, theo lịch Julian), Ngày Tatiana (ngày của học sinh sinh viên Nga, ngày 25 tháng 1), Maslenitsa (một ngày lễ đa thần giáo cổ, diễn ra một tuần trước tuần chay), ngày Vũ trụ (ngày Yury Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, ngày 12 tháng 4), ngày Ivan Kupala (một ngày lễ đa thần Xlavơ cổ khác diễn ra vào ngày 7 tháng 7), và ngày Peter và Fevronia (diễn ra vào ngày 8 tháng 7, đây là ngày lễ tương tự Ngày Valentine, nhưng nhấn mạnh đến tình yêu gia đình và lòng chung thủy). Vào những ngày tháng 6, người Nga tổ chức các lễ kỷ niệm lớn đánh dấu kết thúc năm học. Vào dịp này, học sinh - sinh viên tốt nghiệp có truyền thống bơi trong đài phun nước của thành phố. Tại St Petersburg, người dân địa phương tổ chức lễ hội Cánh buồm Đỏ thắm, tràn ngập âm thanh và ánh sáng để chúc mừng học sinh, sinh viên tốt nghiệp.

Tôn giáo

Các lãnh tụ tôn giáo Nga trong Ngày đoàn kết toàn dân, năm 2012

Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Do Thái giáo là những tôn giáo truyền thống ở nước Nga, là một phần của "di sản lịch sử" Nga đã được luật pháp công nhận năm 1997. Ước tính số lượng tín đồ khác nhau theo từng nguồn, một số báo cáo cho biết số lượng người không tôn giáo ở Nga chiếm từ 16 đến 48% dân số. Chính thống giáo Nga là tôn giáo phổ biến nhất ở Nga. 95% số giáo khu Chính thống giáo đã đăng ký thuộc về Giáo hội Chính thống Nga, ngoài ra còn khá nhiều giáo hội Chính thống giáo nhỏ hơn. Tuy nhiên, đại đa số tín đồ Chính thống giáo Nga không đi nhà thờ thường xuyên. Dù vậy, nhà thờ luôn được cả người theo đạo lẫn người không theo đạo kính trọng, coi đó như một biểu tượng của di sản và văn hóa Nga. Các giáo phái Thiên chúa giáo nhỏ hơn gồm có Công giáo La Mã, giáo hội tông truyền Gregorian và nhiều nhóm Đạo Tin lành khác.

Tổ tiên của nhiều người Nga hiện nay theo đạo Chính thống giáo trong thế kỷ 10. Báo cáo Tôn giáo Quốc tế năm 2007 do Bộ ngoại giao Hoa Kỳ công bố cho thấy gần 100 triệu người tự coi mình là tín đồ Chính thống giáo Nga. Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Quan điểm đại chúng Nga, 63% người trả lời coi mình là tín đồ Chính thống giáo Nga, 6% coi mình là tín đồ Hồi giáo và chưa đầy 1% coi mình theo Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Do Thái giáo. Ngoài ra, 12% người được hỏi cho biết họ tin vào Chúa nhưng không theo tôn giáo nào cả, và 16% nói họ là người không tôn giáo.

Văn hóa Cossack ở nước Nga

Văn hóa thảo nguyên của dân Cossack Nga bắt nguồn từ những người dân du mục trên thảo nguyên, sống hòa lẫn vào với các nhóm người Đông Xlavơ thành nhiều cộng đồng dân cư lớn. Những cộng đồng người Cossack đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 14, trong đó có người Cossack sông Đông. Nhiều cộng đồng Cossack khác đóng vai trò quan trọng trong lịch sử và văn hóa Nga, như người Cossack Ural, Cossack Terek, Cossack Kuban, Cossack Orenburg, Cossack Volga, Cossack Astrakhan, Cossack Siberia, Cossack Transbaikal, Cossack Amur và Cossack Ussuri. Người Cossack bảo vệ biên giới và mở rộng lãnh thổ nước Nga. Những vùng đông cộng đồng người Cossack sinh sống thường rất tự do dưới thời Sa Hoàng Nga. Văn hóa Cossack trở thành một phần quan trọng của văn hóa Nga, với nhiều bài hát Nga, các điệu nhảy và tổng thể văn hóa Nga nói chung được cộng đồng người Cossack định hình.

Văn hóa rừng ở Nga

Rừng cây ở Elektrostal, Nga.

Rừng đóng vai trò cực kỳ quan trọng ở Nga trong suốt hơn 1000 năm lịch sử-văn hóa. Rừng ảnh hưởng lớn tới tính cách dân tộc Nga và sự sáng tạo văn hóa của họ. Nhiều huyền thoại của văn hóa Nga gắn chặt với rừng. Nhiều người Xlavơ thời xưa và các bộ tộc khác xây nhà bằng gỗ, chính vì thế rừng ảnh hưởng mạnh đến phong cách kiến trúc Nga. Tranh thủ công Hohloma ra đời ở vùng Volga được làm từ gỗ và khắc họa vô số loài thực vật rừng như chùm quả vót châu Âu (Tiếng Nga: Калина, Kalina), hoa và lá cây. Nhiều truyện cổ tích Nga lấy bối cảnh rừng cây, các nhân vật hư cấu như Baba Yaga gắn bó sâu đậm với văn hóa rừng Nga. Rừng cũng là một chủ đề quan trọng của nhiều bài hát dân ca Nga.

Văn hóa đi bộ Nga

Thói quen đi dạo hay đi bộ (Tiếng Nga: гулять, gulyat') rất quen thuộc trong xã hội Nga. Tương phản với các quốc gia châu Âu, giới trẻ Nga cũng rất thích đi dạo. Người trẻ thường sắp xếp buổi đi dạo. Ngoài động từ còn có từ progulka (Tiếng Nga: прогулка), mô tả thời gian dùng để đi bộ. Đi bộ quan trọng trọng văn hóa nga tới mức từ đi bộ (gulyat) cũng đồng nghĩa với động từ "tổ chức tiệc".

Hái nấm và quả mọng

Các hoạt động diễn ra trong rừng như hái nấm và quả mọng rất quen thuộc ở nước Nga. Nấm (Tiếng Nga: грибы, griby) giữ một phần quan trọng trong văn hóa dân gian Nga ít nhất từ thế kỷ 10 và cũng góp mặt thường xuyên trong bữa ăn Nga. Ở Nga tồn tại hơn 200 loại nấm ăn được. Nấm luôn được coi là có phép thuật và đóng vai trò nổi bật trong truyện cổ tích Nga. Khả năng phát hiện và chế biến nấm ăn thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống hái nấm đặc biệt phổ biến ở các quốc gia vùng Baltic và Xlavơ. Quả mọng (Tiếng Nga: Ягода, Yagoda) cũng nắm vai trò quan trọng trong văn hóa dân gian Nga và thường xuất hiện trên trang phục truyền thống, bài hát dân gian và trang trí thủ công Nga. Trong suốt nhiều thế kỷ, người châu Âu thậm chí còn gọi quả nam việt quất (cranberry) là "quả mọng Nga" (Russian berry). Hái nấm và quả mọng trong rừng là một cách an định tâm trí ở Nga.